Nếu có một điều mà chúng ta có thể chắc chắn trong thời điểm này, thì đó là hành vi của chúng ta đã thay đổi đáng kể vì COVID-19. Đại dịch đã khiến mọi người phải đánh giá lại các ưu tiên và nhu cầu của bản thân, cũng như mua hàng hóa, tiêu thụ thông tin và giải trí theo những cách mới. Điều này mang lại rủi ro đáng kể cho các doanh nghiệp khi họ khó có thể xác định hành vi tiêu dùng mới này có kéo dài hay không. 

Việc hỏi mọi người về những thói quen mới mà họ có thể sẽ duy trì không đem lại câu trả lời chính xác. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng có một khoảng cách lớn giữa ý định của chúng ta và những gì chúng ta thực sự làm. Chúng ta không có khả năng dự báo các hành vi của chính mình, đặc biệt là trong một sự kiện mới lạ như đại dịch COVID-19.

Tin vui cho các nhà tiếp thị là các yếu tố tâm lý làm thay đổi hành vi trong dài hạn là có thể dự đoán được, ngay cả khi không thể đoán trước được những tác động bên ngoài mà mọi người phải đối mặt. Hiểu lý do và cách mọi người hình thành thói quen có thể giúp chúng ta dự đoán tốt hơn cách mọi người có thể phản ứng trong và sau các tình huống mới.

Một cuộc khảo sát gần đây của Kadence International với 3.400 người tham gia đã tiết lộ điều gì quan trọng nhất đối với mọi người khi quyết định thay đổi hành vi tiêu dùng. Tổng cộng có năm yếu tố nổi bật: sự tiện lợi, tiết kiệm thời gian, hiệu quả chi phí, sự thích thú và ưu đãi cá nhân. Những yếu tố này được sử dụng để đánh giá chỉ số hình thành thói quen của một hoạt động đối với mọi người và khả năng họ duy trì hoạt động đó trong tương lai.

Ở đây, chúng tôi xem xét một số hoạt động chính mà mọi người đã tham gia kể từ khi đại dịch xảy ra. Thay vì thuyết phục mọi người hình thành thói quen mới, các thương hiệu có thể dùng chiến lược phản hồi lại những hoạt động mà mọi người đã làm:

Những hành vi chính sẽ tồn tại sau đại dịch
Hình 1: Những hoạt động mới của mọi người từ khi xảy ra đại dịch COVID-19

Mua sắm trực tuyến

Mọi người hiện đang mua sắm trực tuyến nhiều hơn bao giờ hết. Ở Đông Nam Á, 34% người dùng mua quần áo trực tuyến lần đầu tiên vào năm 2020 và 94% người dùng các dịch vụ online mới có ý định tiếp tục sử dụng sau đại dịch. Những người tham gia khảo sát chỉ ra rằng mua sắm trực tuyến thuận tiện, tiết kiệm thời gian và hiệu quả về chi phí.

Đồng thời, 41% người mua sắm trên trang web thương hiệu cho biết các trang web thương hiệu mang lại cho họ trải nghiệm phong phú và các trang web thường dễ dàng sử dụng, có thông số kỹ thuật rõ ràng kèm hình ảnh hoặc video sản phẩm.

Hình 2: Mua sắm trực tuyến

Những xu hướng hành vi này có thể đặt ra thách thức đối với các thương hiệu nếu họ không có dịch vụ trải nghiệm trực tuyến tốt. Những người được hỏi trong nghiên cứu gần đây của chúng tôi về sở thích mua sắm trực tuyến cho rằng “tiết kiệm thời gian” (76%) và “giá tốt nhất” (65%) là hai lợi thế lớn nhất của mua sắm trực tuyến và “thời gian giao hàng lâu” (55%) và “phí giao hàng”(57%) là hai nhược điểm hàng đầu.

Để nâng cao trải nghiệm khách hàng trực tuyến, các thương hiệu nên xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với khách hàng. Người tiêu dùng luôn muốn tìm hiểu, đánh giá và mua hàng của họ một cách thuận tiện, vì vậy, điều quan trọng là các thương hiệu phải đầu tư nâng cao trải nghiệm trực tuyến cho người tiêu dùng.

Học các kỹ năng mới trực tuyến

Trong hai năm qua, số người tìm cách học các kỹ năng mới trực tuyến đã tăng một cách đáng kể. Sau khi đại dịch bắt đầu, đã có 10% trên toàn thế giới tìm kiếm từ khóa “cách thực hiện” khi mọi người dành nhiều thời gian ở nhà hơn.

Những người tham gia khảo sát chỉ ra rằng học trực tuyến rất thú vị và bổ ích cho cá nhân, vì vậy họ muốn tiếp tục sau khi đại dịch kết thúc. Đặc biệt, Thế hệ Z là thế hệ sống trong thời đại công nghệ sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển mô hình giáo dục mở rộng bên ngoài lớp học. 

Hình 3: Học trực tuyến

Vậy làm thế nào để các thương hiệu có thể kết nối mật thiết hơn với mọi người, nâng cao nhận thức về thương hiệu và tiếp cận thị trường mới thông qua giáo dục? Airbnb, công ty có hoạt động kinh doanh bị ảnh hưởng đáng kể bởi COVID-19, đã cung cấp những trải nghiệm trực tuyến mới cho người dùng như các lớp học nấu ăn với đầu bếp địa phương, các bài học lịch sử với hướng dẫn viên du lịch và các bài học vẽ với các nghệ sĩ.

Nấu ăn tại nhà

Việc lên kế hoạch cho bữa ăn và học các kỹ năng mới trong nhà bếp đang được phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch. Ngoài tính thú vị và bổ ích của việc nấu ăn tại nhà, những người tham gia khảo sát cũng thừa nhận nó hiệu quả về mặt chi phí. Năm 2020, 47% người Đông Nam Á lần đầu tiên mua hàng tạp hóa trực tuyến .

Một nhà thiết kế bao bì đến từ Thái Lan chia sẻ: “Kể từ sau đại dịch, lối sống của tôi đã thay đổi.  Tôi đến [siêu thị] hàng tuần và bắt đầu tự nấu bữa tối và bữa trưa cho mình vì nó rẻ hơn. ”
Hình 4: Nhận định của người tiêu dùng về việc nấu ăn tại nhà

Để duy trì xu hướng nấu ăn tại nhà, các nhà hàng có thể tìm ra những cách thú vị để hỗ trợ mong muốn nấu ăn tại nhà của mọi người. Ví dụ, bộ dụng cụ ăn uống lắp ráp tại nhà là một cách tuyệt vời để các nhà hàng giữ kết nối với khách hàng và giúp hỗ trợ quá trình nấu ăn tại nhà của họ.

Có thể có nhiều điều không chắc chắn về tương lai, nhưng các kiểu hành vi tâm lý của con người phần lớn vẫn nhất quán. Bằng cách hiểu hành vi của mọi người, các thương hiệu có thể dựa vào khả năng dự đoán này để tìm ra động lực của mình và từ đó đưa doanh nghiệp đi đúng hướng.

Nguồn: https://www.thinkwithgoogle.com/intl/en-apac/consumer-insights/consumer-trends/consumer-behavior-psychology-post-pandemic/

Dịch: Data-insights Admicro