Những người đang làm trong mảng marketing đa phần đều biết từ customer insight có nghĩa là gì: sự thật ngầm hiểu – sự thấu hiểu khách hàng và các hành vi của họ dù họ không nói ra. Để có được insight người tiêu dùng, độc giả, nhãn hàng, nhất thiết cần thực hiện nghiên cứu, phân tích. Tuy nhiên, đa phần người làm nghề marketing không trực tiếp thực hiện, mà sử dụng các kết quả nghiên cứu, phân tích có sẵn cho công việc của mình. Không phải mọi kết quả có sẵn đều có thể sử dụng được ngay, đặc biệt nếu chúng không xuất phát từ nghiên cứu, phân tích được thiết kế riêng cho doanh doanh nghiệp/khách hàng của bạn. Cũng giống như khi mua quần áo bán sẵn, có khả năng bạn không chọn được món đồ ưng ý, do chúng không được may đo vừa vặn với bạn. 

Làm sao để tận dụng giá trị của những kết quả có sẵn này ?

Nên xác định tâm thế rằng, không thể kì vọng sẽ trả lời được toàn bộ câu hỏi, nắm được toàn bộ insight cần từ các nguồn dữ liệu có sẵn. Dù có được thiết kế riêng cho doanh nghiệp/khách hàng của bạn thì mỗi nghiên cứu, phân tích đều có mục tiêu riêng, trả lời một số xác định các câu hỏi cụ thể. Cùng tìm hiểu một số nguồn dữ liệu có thể khai thácdạng insight có thể thu thập được từ chúng.

A. Hành vi người tiêu dùng có thể được tìm thấy từ các báo cáo, khảo sát do các công ty nghiên cứu thị trường thực hiện. Các công ty này chọn lọc người tiêu dùng để nghiên cứu bằng cách đặt ra các câu hỏi phân loại như: “Trong 3 tháng gần đây, anh/chị có mua sản phẩm X không ?”

Một số dạng insight có thể tìm thấy:

  • Thói quen tìm kiếm thông tin trước khi mua sắm
  • Sở thích, thói quen sử dụng sản phẩm
  • Mức chi tiêu, tần suất tiêu dùng
  • Xu hướng tiêu dùng

B. Hành vi cộng đồng mạng xã hội (MXH) do các công ty cung cấp giải pháp social listening thực hiện. Các công ty này sở hữu công cụ giúp họ thu thập dữ liệu từ các group, fanpage, trang cá nhân trên MXH. Đối tượng nghiên cứu là các tài khoản có thảo luận, tương tác với nội dung đang được tìm hiểu.

Một số dạng insight có thể tìm thấy:

  • Who: Ai đang đề cập và có ảnh hưởng đến thương hiệu nhiều nhất?
  • What: Cộng đồng mạng đang thảo luận những gì? (Chủ đề hay khía cạnh nào của nhãn hàng đang được nhắc đến)
  • Where: Thương hiệu đang được bàn luận ở đâu?
  • When: Thời điểm nào có nhiều thảo luận ?
  • How: Người tiêu dùng đang nhận xét về thương hiệu ra sao? (Số lượng thảo luận và thái độ khi nhận xét –tiêu cực/ trung lập/ tích cực)

C. Hành vi độc giả của các network như Admicro công bố. Các network này sở hữu số lượng kênh tin tức, báo chí lớn; trong đó, có các website sở hữu lượng độc giả chuyên biệt như Kenh14 (thông tin giới trẻ), Cafef (thông tin kinh tế-tài chính). Đối tượng nghiên cứu là độc giả của network, những người xem các bài viết, video, tương tác với quảng cáo đặt trên website.

Một số dạng insight có thể tìm thấy:

  • Ai đang xem nội dung được khai thác/thương hiệu được đề cập ? (Phác họa chân dung độc giả qua một số khía cạnh như độ tuổi, giới tính, nơi sống, mối quan tâm, lo lắng trong cuộc sống phản ánh qua bài viết thường đọc)
  • Độc giả đang quan tâm những khía cạnh nào của nội dung đang được nhắc đến ích
  • Thời điểm, thiết bị, tần suất độc giả thường đọc, xem các nội dung họ quan tâm

Cuối cùng, nên quan tâm đến thời gianqui mô nghiên cứu, phân tích. Đặc biệt với các nghiên cứu, phân tích định lượng (tính toán cụ thể số lượng, tỉ lệ), cần cân nhắc kĩ càng khi sử dụng insight tìm được. Ví dụ, thời gian nghiên cứu, phân tích trong dịp Tết đúng với dịp này và một số đặc điểm có thể thay đổi trong những năm tiếp theo.  Insight từ các nghiên cứu phân tích của đối tượng tại khu vực Hà Nội có thể không đúng với các khu vực khác. Insight của người tiêu dùng sản phẩm nước tăng lực mang nét đặc trưng riêng, bên cạnh đặc điểm của nhóm ngành FMCG nói chung.