Chúng ta đang được chứng kiến nhiều sự thay đổi trong mọi mặt của cuộc sống. Điển hình như thay đổi từ điện thoại tới Internet, ATM tới thanh toán điện thoại, mua sắm truyền thống tới mua sắm online, sở hữu tới chia sẻ, từ đó ảnh hưởng tới thói quen người tiêu dùng.

Dưới đây là tổng hợp 6 xu hướng người tiêu dùng tại Việt Nam đang và sẽ diễn ra:

  1. Đòi hỏi sự siêu tiện lợi trong mua sắm
  2. Tăng nhu cầu với các sản phẩm, dịch vụ cao cấp
  3. Thay đổi thói quen tiêu dùng nhờ Internet
  4. Quan tâm nhiều tới tính an toàn thực phẩm
  5. Nghi ngờ trước các thông tin quảng cáo
  6. Xu hướng người dùng trải nghiệm, hưởng thụ nhiều hơn là sở hữu

1. Đòi hỏi sự siêu tiện lợi trong mua sắm

Việc đô thị hoá nhanh dẫn tới thay đổi điều kiện sống. Người tiêu dùng đòi hỏi sự tiện lợi trong việc mua bán, dẫn tới tăng nhu cầu cho các kênh mua hàng tiện lợi, mua sắm online, các dịch vụ vận chuyển, di chuyển nhanh.

Có thể thấy mô hình bán hàng hiện đại và e-commerce có tỷ trọng tăng dần trong các kênh bán hàng trong thời gian gần đây. Số lượng cửa hàng có dịch vụ tự phục vụ cũng tăng từ 1,800 tới 2,700 cửa hàng trong khoảng thời gian từ 2015 tới 2018.

Tỷ trọng các kênh bán hàng và gia tăng kênh bán tự phục vụ

2. Tăng nhu cầu với các sản phẩm, dịch vụ cao cấp

Với 50% hộ gia đình có thu nhập hàng tháng cao hơn $400, có khoảng 11.8 triệu hộ gia đình được coi là ở tầng lớp trung lưu. Sự gia tăng tầng lớp trung lưu vẫn tiếp tục diễn ra nhanh chóng. Dự đoán rằng sẽ có 55 triệu người Việt Nam thuộc tầng lớp trung lưu vào năm 2020 và tới 95 triệu người vào 2030. Khi đó nhu cầu với các sản phẩm, dịch vụ cao cấp sẽ càng được đẩy lên cao với mong muốn cải thiện chất lượng cuộc sống. 

Phân chia tình trạng kinh tế hộ gia đình

3. Internet thay đổi thói quen tiêu dùng

Online shopping sẽ trở thành xu hướng mới thay vì kênh mua sắm hiện đại. Nền kinh tế Internet tăng trưởng gấp đôi từ 3 tỉ USD tới 9 tỉ USD trong khoảng thời gian từ 2015 tới 2019.

Tại Việt Nam, theo chia sẻ của Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, doanh thu thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng ổn định 20%/năm, dự kiến đến năm 2020, doanh số bán hàng thương mại điện tử đạt 10 tỷ USD, chiếm 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của cả nước. Khoảng 30% dân số sẽ tham gia mua sắm online và đạt mốc 350 USD/người/năm.

Những người bán lẻ độc lập trên Facebook chiếm nguồn doanh số bán hàng lớn thứ 2, nhiều hơn Lazada và ít hơn Shopee.

“Ước tính có khoảng 50 người trẻ Việt Nam tuổi từ 19 tới 20 đã trở thành triệu phú đô la bằng cách kiếm tiền online”

Theo ông Huỳnh Kim Tước, đại diện Facebook tại Việt Nam chia sẻ tại Vietnam Online Business Forum 2017.

4. Người tiêu dùng quan tâm nhiều tới tính an toàn thực phẩm

Người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới tính an toàn của thực phẩm và sẵn sàng chi trả nhiều hơn để đảm bảo sự an toàn. Có 79% người Việt sẵn lòng trả thêm cho thực phẩm và đồ uống không chứa nguyên liệu mà họ không mong muốn. (Số liệu này trung bình với người Châu Á là 66%). 

Điều này là phản ứng của người tiêu dùng trước những sự việc gây chấn động dư luận liên quan tới thực phẩm bẩn hoặc có chất độc hại, đồ chơi nhiễm chì, hay như là các sản phẩm chăm sóc cá nhân nhiễm chất cấm. Những lo ngại còn lan rộng tới những sản phẩm như là quần áo, giày dép, đồ điện tử hay đồ gia dụng.

“‘Con đường từ dạ dày đến nghĩa địa chưa bao giờ ngắn thế.”

Đại biểu quốc hội Trần Ngọc Vinh phát biểu trong phiên chất vấn với bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

5. Nghi ngờ trước các thông tin quảng cáo

Sống trong một thế giới số, người tiêu dùng giờ đây thường xuyên tiếp xúc với hàng loạt thông tin qua các kênh khác nhau. Thông tin từ mạng xã hội, nhắn tin với bạn bè, đọc tin tức báo chí, xem video, chơi game, email v.v…

Tuy nhiên, người tiêu dùng ngày nay trở nên hoài nghi hơn với các thông tin họ tiếp nhận. Khi họ  tiếp cận thông tin qua TV, họ có xu hướng kiểm tra lại thông tin trên Online, tìm kiếm những kinh nghiệm từ người khác, đọc nhận xét để đánh giá độ tin cậy của những thông tin họ xem. Điều này tương tự với thông tin họ tiếp cận qua mạng xã hội, khi chỉ có 27% người cho biết tin tưởng thông tin bạn bè chia sẻ qua mạng xã hội.

6. Xu hướng người dùng trải nghiệm, hưởng thụ nhiều hơn là sở hữu

Giờ đây, người tiêu dùng có thể trải nghiệm tất cả mà không cần sở hữu bất cứ thứ gì. 

Nhu cầu của người tiêu dùng cho sự trải nghiệm thay vì sở hữu đang gia tăng. Báo cáo của McKinsey cho thấy, từ năm 2014 đến 2016, khách hàng sẵn lòng rút hầu bao nhiều hơn cho các trải nghiệm, thay vì hàng hóa và dịch vụ. Các trung tâm thương mại truyền thống đang được thay thế bằng những trung tâm thương mại tích hợp cửa hàng bán lẻ, hoạt động giải trí, căn hộ để ở, sân trượt patin trong nhà. Hay như với Starbucks, không đơn thuần chỉ là một nơi bán cà phê, đây còn là điểm đến của những trải nghiệm.

Sự tiến bộ của công nghệ cũng góp phần giúp con người có mọi thứ mà không cần phải mua. Thay vì mua xe tốn chi phí lớn chỉ để hoạt động vài giờ một ngày, giờ đây người ta có thể di chuyển bằng Grab, Uber, hay các ứng dụng gọi xe trực tuyến khác. Những việc vô cùng phổ biến bây giờ như những cuốn sách, bản nhạc hay những bộ phim đang được cất giữ trên mây (cloud) thông qua các dịch vụ Amazon, Spotify, và Netflix chứ không cần phải cất giữ trong nhà. Chúng ta vẫn có thể tận hưởng trọn vẹn vô số các sản phẩm mà không thực sự sở hữu món đồ nào.

Sự dịch chuyển giữa ngày trước (và nhóm 45+) và bây giờ (và nhóm 20+) trong quan điểm sống, thói quen chi tiêu và định nghĩa về thành công thể hiện xu hướng trải nghiệm được đề cao hơn việc sở hữu tài sản. Giới trẻ bây giờ định nghĩa “thành công” là được sống hạnh phúc, đầy đủ, và được công nhận trên mạng xã hội. Khác với trước đây “thành công” được đo bằng sự giàu có, sự sở hữu tài sản, và địa vị xã hội.

Sự dịch chuyển giữa ngày trước và bây giờ

Nguồn tham khảo:

  1. Business Monitor International (BMI) Database 2018
  2. Cimigo, Vietnam consumer trend 2019
  3. Forbes Vietnam, Sự dịch chuyển của xã hội tiêu dùng: Có tất cả, nhưng không cần sở hữu, 2018
  4. GroupM, 2017
  5. Nielsen, 2017